Thân hình nhỏ bé, đôi chân tập tễnh, đôi tay không thể cầm nắm được bình thường, thế nhưng vượt lên tất cả nỗi đau về thể xác, sự chế giễu của những người xung quanh, chàng trai ấy đã đứng lên bằng chính đôi chân của mình để trở thành một tình nguyện viên đầy nhiệt huyết, truyền cảm hứng, trao thông điệp yêu thương đến tất cả mọi người. Chàng trai ấy là Nguyễn Khắc Cường – thủ lĩnh duy nhất của xứ Nghệ được tôn vinh tại giải thưởng “Tuổi trẻ cống hiến vì cộng đồng”
Giờ học hòa nhập của giáo viên Nguyễn Khắc Cường và các em nhỏ tại Cơ sở giáo dục chuyên biệt Minh Anh, cũng như những giờ học trước, phải mất khá nhiều thời gian để Cường ổn định lớp học và thu hút sự tập trung của các bạn nhỏ. Sau một số bài tập tương tác với trẻ, Cường chuyển sang các trò chơi vận động. Anh hướng dẫn các bạn nhỏ nắm tay nhau đi theo vòng tròn và cùng hát các bài hát thiếu nhi. Tuy nhiên, chỉ vài ba bạn làm theo yêu cầu của giáo viên, còn lại đi lại lộn xộn, mắt nhìn vô định. Sự không hợp tác của một số bạn nhỏ khiến Cường vất vả hơn rất nhiều. Cường gọi tên và nắm tay từng bạn một để kết nối các em thành một vòng tròn. Phải mất hơn 30 phút các em mới thực hiện đúng theo yêu cầu của thầy giáo. Đó cũng là lúc Cường thấm mệt, đôi chân tập tễnh bước những bước chậm chạp nhưng giọng hát của người thầy đặc biệt này vẫn vang lên, cuốn hút.
Chứng kiến từ đầu đến cuối giờ học, tận mắt theo dõi sự kiên nhẫn, say mê đến kỳ lạ của Nguyễn Khắc Cường, tôi càng khâm phục nghị lực phi thường của chàng trai này. Người bình thường dạy cho các trẻ chuyên biệt đã khó, với Cường điều này càng khó khăn hơn gấp bội. Nhưng Cường đã chứng minh và cho mọi người thấy, chỉ cần có quyết tâm, có niềm đam mê thì không điều gì là không thể.
Đã gần 1 năm nay, Cường đã quen với công việc của một giáo viên như thế. Học trò của anh là những em nhỏ mắc hội chứng tự kỷ, chậm phát triển, bị bại não, động kinh. Lựa chọn nghề dạy học, bản thân Cường đã cố gắng rất nhiều để tìm hiểu, nghiên cứu về hội chứng tự kỷ, để rồi từ sự đồng cảm, đam mê, Cường đã nỗ lực không ngừng nghỉ để hoàn thiện và trau dồi bản thân.
Gặp Cường sau khi anh vừa kết thúc khóa tập huấn kỹ năng dạy trẻ chuyên biệt ở TP Hồ Chí Minh, anh khá bận rộn hơn khi vừa về nhà đã đảm nhận công việc tổ chức Giáng sinh cho các em nhỏ ở Trung tâm. Cường cho biết: “Trong một lần tham gia tình nguyện, hỗ trợ các cô giáo về vận động cho trẻ tự kỷ, tiếp xúc với các em nhỏ tự kỷ, tôi nhìn thấy sự đáng yêu, ngô nghê trong những đứa trẻ kém may mắn này. Bản thân tôi sinh ra đã là một người khuyết tật, từ nhỏ bị bạn bè trêu chọc, xa lánh nên càng hiểu hơn những khó khăn trong cuộc sống cũng như hòa nhập với mọi người. Vì thế, tôi đã quyết định sẽ dạy học cho các em. Rất may, mong ước của tôi được chị Giám đốc ủng hộ. Chị đã cho tôi cơ hội để làm quen, trải nghiệm với các em trong thời gian đầu, sau đó giúp đỡ và đào tạo tôi thành một giáo viên dạy trẻ chuyên biệt như bây giờ”.
Lựa chọn là một chuyện, nhưng khi vào dạy thực tế, Cường mới cảm nhận hết những khó khăn khi mỗi học sinh là một dạng biểu hiệu khác nhau của hội chứng tự kỷ. Chưa kể ở cơ sở này còn có những em nhỏ chậm phát triển, mắc các bệnh lý về thần kinh. Bởi thế, mỗi trẻ là một phương pháp riêng, không em nào giống em nào. Khó khăn là vậy, nhưng với nghị lực của mình và sự hướng dẫn của các đồng nghiệp, Cường đã khắc phục và trở thành một giáo viên đầy tình yêu thương và lòng kiên nhẫn với các em nhỏ.
Cô Phúc Thị Thủy, quản lý Cơ sở giáo dục chuyên biệt Minh Anh cho biết: “Mặc dù bản thân bị khuyết tật, đi lại khó khăn nhưng Cường là giáo viên có tâm huyết và trách nhiệm. Anh luôn nỗ lực và nhiệt tình trong các tiết dạy, đặc biệt là các giờ dạy vận động khi cố gắng hướng dẫn cho trẻ tham gia các trò chơi vận động đòi hỏi di chuyển nhiều, có sức bền và giữ thăng bằng… Ngoài ra, anh còn thường xuyên bỏ tiền túi mua quần áo, đồ chơi giúp đỡ các em nhỏ khó khăn”.
Tôi gặp Nguyễn Khắc Cường lần đầu tiên cách đây chừng 5 năm, khi anh vừa thành lập Tổ chức hoạt động xã hội (HĐXH) Thanh niên vì cộng đồng Nghệ An 37. Khi ấy phạm vi hoạt động và sức ảnh hưởng của câu lạc bộ (CLB) tình nguyện chưa nhiều. Còn bây giờ, CLB này đã thực sự trở thành nơi truyền cảm hứng, kết nối những trái tim nhân ái, mang tình yêu thương sưởi ấm cho những mảnh đời bất hạnh, kém may mắn.
Với ý chí, nghị lực và trái tim giàu lòng nhân ái, thủ lĩnh Nguyễn Khắc Cường với CLB của mình đã để lại dấu ấn đậm nét với người dân xứ Nghệ trong suốt 7 năm qua. Bằng chứng, anh là thủ lĩnh duy nhất của xứ Nghệ và là 1 trong 70 thủ lĩnh tiêu biểu của cả nước được nhận giải “Tuổi trẻ cống hiến vì cộng đồng”. Đây là giải thưởng do Cộng đồng tình nguyện Việt Nam tổ chức nhằm tôn vinh các thủ lĩnh tiêu biểu của các CLB, hội, đội, nhóm đã có cống hiến và thành tích xuất sắc trong công tác tình nguyện vì cộng đồng, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Để đạt được kết quả này, thủ lĩnh Nguyễn Khắc Cường và các thành viên của mình đã trải qua rất nhiều khó khăn. Ngoài giờ học, các bạn trẻ đã lăn lộn với đủ các công việc để kiếm tiền gây quỹ hoạt động. Từ việc thu gom phế liệu, bán hoa, bán nước chè… Nhặt nhạnh, tiết kiệm từng đồng tiền nhỏ để rồi từ số tiền ấy, CLB đã tổ chức được hàng trăm chuyến đi thiện nguyện đến những nơi khó khăn như Trung tâm nuôi dạy trẻ em khuyết tật, Làng trẻ em SOS, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, các bản làng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số…; tổ chức hàng chục chương trình tình nguyện như “Tết ấm vùng cao”, “Tiếng hát thiện nguyện” (vào tối thứ bảy hàng tuần tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An), Chủ nhật Xanh, Đêm hội trăng rằm… Qua 7 năm, Tổ chức HĐXH Thanh niên vì cộng đồng Nghệ An 37 đã trao hàng nghìn món quà ý nghĩa, tổng giá trị khoảng 500 triệu đồng.
Hiện nay, Tổ chức HĐXH Thanh niên vì cộng đồng Nghệ An 37 có hơn 60 tình nguyện viên là sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn. Dẫu con đường phía trước còn lắm gian nan nhưng quả ngọt ngày hôm nay là kết quả xứng đáng dành cho vị thủ lĩnh. Bằng tình yêu thương, lòng nhiệt huyết và quyết tâm đứng lên bằng đôi chân của mình, Nguyễn Khắc Cường đã truyền cảm hứng cho rất nhiều bạn trẻ và chứng minh cho mọi người thấy, dẫu cơ thể có khiếm khuyết thì chúng ta vẫn có thể tỏa sáng bằng nghị lực sống phi thường.
Tác giả: Huyền Thương – Báo Công Nghệ An Online